Nếu phải trả lời cho câu hỏi “Gốm sứ Nhật Bản” (người Việt thường nói gọn là “gốm Nhật”) giá trị ở chỗ nào mà sao cả thế giới cũng như người Việt mình lại yêu thích đến như vậy?” thì câu trả lời là “Đa dạng, sáng tạo”. Gốm Nhật cực kỳ phong phú về phong cách, hình thái nhưng giữa chúng có 1 điểm chung đó là rất tôn trọng và ghi nhận những sáng tạo cá nhân của người thợ gốm, nghệ nhân. Họ không bị gò bó, kìm hãm bởi những quy tắc, luật lệ nào. Nhờ đó, gốm Nhật mặc dù không có lịch sử lâu đời như Trung Quốc nhưng lại thăng hoa hơn về mặt sáng tạo và phong cách thẩm mỹ.
Mặc dù có khá nhiều dòng gốm của Nhật Bản rất ít khi xuất hiện nhưng gốm Nhật ở Việt Nam vẫn rất đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Nói như vậy vì gốm Nhật ở nước ta thực sự giống như 1 cái chợ, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có nhưng lại rất lộn xộn, không có hệ thống, không rõ ràng, mập mờ. Sản phẩm du nhập theo đường hàng thùng secondhand với số lượng rất nhiều nhưng không tinh, chủ yếu là sản phẩm chất lượng kém, hỗn tạp. Gốm Nhật mua Oder, mua đấu giá, xách tay… thì có sự chọn lựa hơn, chất lượng có khá hơn nhưng do người bán và người mua hầu như không tìm hiểu kiến thức về gốm nên rất nhiều sản phẩm kém chất lượng bị bán với giá thành rất cao, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến người mua, nhất là những người mới biết đến gốm Nhật. Đây là tình trạng đang xảy ra rất nhiều, đặc biệt là với dòng sản phẩm xưa như: Satsuma, shippo,… do có giá trị sưu tầm cao.
Satsuma là dòng gốm có lịch sử hơn 400 năm của Nhật Bản. Hình thành và phát triển hơn 250 năm để đến khi xuất hiện trước mặt người phương Tây vào cuối thế kỷ 19 sau thời gian “đóng cửa” đã gây chấn động thế giới và tạo ra 1 cơn sốt thực sự. Nhu cầu sở hữu và sưu tập cực kỳ lớn đối với những sản phẩm gốm Satsuma với men rạn trắng ngà, họa tiết trang trí tinh tế, có màu sắc ấn tượng và vẽ vàng lộng lẫy, sang trọng.
Satsuma ở Việt Nam đa số là các sản phẩm Satsuma chất lượng từ trung bình đến tốt và hàng kém chất lượng, còn những sản phẩm chất lượng cao đến mức tuyệt phẩm của những nghệ nhân hàng đầu Kinkozan Sobei, Yabu Meizan,… thực sự rất hiếm thấy và giá trị cũng như giá cả thì rất cao. Thực ra, để định giá chính xác 1 món đồ Satsuma là rất khó vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng nhưng để phân biệt giữa Satsuma kém chất lượng và Satsuma chất lượng tốt để sưu tập thì khá dễ. DIMO sẽ cố gắng trình bày 1 cách rõ ràng nhất với những ví dụ minh họa để cho anh/chị khách hàng có thể hiểu được và từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình, tránh việc mua nhầm, mua sai “phí tiền” sau này.
Để đánh giá một sản phẩm Satsuma chất lượng tốt mọi người hãy đánh giá từ lớp men rạn đầu tiên. Lớp men rạn phải có màu trắng ngà, những vết rạn phải nhỏ, đều, không bị chỗ rạn to, chỗ rạn nhỏ. Đây là đặc điểm tiên quyết để xác định người làm ra chiếc cốt bình có tay nghề đủ tốt hay không. Chỉ có người nghệ nhân kiểm soát tốt nhiệt độ thì mới có thể làm ra sản phẩm có màu men đẹp và có những vết rạn nhỏ li ti, đều tăm tắp.
Đánh giá họa tiết vẽ tay qua: nét vẽ và màu sắc. Sản phẩm tốt, bao giờ cũng có nét vẽ mảnh, nhẹ nhàng, mềm mại, tinh tế; độ dày nét đồng đều, không bị lem nhem; không thừa, thiếu nét. Màu sắc nhiều tầng lớp, đậm nhạt hài hòa, có chiều sâu; không bị đè lem nhem lên nét vẽ. Kinh nghiệm khi đánh giá chất lượng vẽ tay đó là chú ý vào các họa tiết: ngọn núi, lá cây và gương mặt – đây là những chi tiết đòi hỏi sự tinh tế cao.
Nếu 1 món đồ Satsuma có đẹp đến mấy, do nghệ nhân nổi tiếng hàng đầu chế tác, mà lại là đồ vỡ gắn lại phục chế, thì cũng là đồ vứt đi. Vì thế nên khi anh/chị tìm mua Satsuma nên kiểm tra kỹ tình trạng món đồ, có bị sứt mẻ nhiều hay không? Đồ xưa thì không thể tránh được việc sản phẩm bị sứt mẻ nhỏ hay trầy xước nhưng nếu tổn thương không đáng kể hoặc ở vị trí khuất như chân đế hay mặt sau… thì hoàn toàn có thể chấp nhận được với 1 mức giá hợp lý. Còn nếu anh/chị theo chủ nghĩa hoàn hảo thì tất nhiên, đẹp hoàn hảo mới chốt.
Khi 3 yếu tố trên đã được duyệt qua thì bước cuối cùng đó là thông tin của món đồ: giai đoạn sản xuất, lò nung hoặc nghệ nhân. Một người bán hàng có tâm sẽ có sẵn thông tin về sản phẩm của mình cho khách hàng, điều đó thể hiện sự chuyên nghiệp, hiểu biết về sản phẩm của mình. Xét về tuổi sản phẩm Satsuma, giá trị nhất không phải là sản phẩm có tuổi đời sâu nhất, mà những sản phẩm cao cấp nhất, tốt nhất, đẹp nhất, giá trị nhất được sản xuất từ thời Meji (Minh Trị 1868-1912) đến đầu thời Chiêu Hòa (1926-1989). Điều quan trọng ở đây là có thông tin rõ ràng và có chính sách bảo đảm cho thông tin và sản phẩm của người bán. Đây chính là uy tín của người bán mà rất ít người bán làm được. Tra triện có thể giúp xác định thông tin sản phẩm nhưng đôi khi không thể tra cứu được do triện mờ, sản phẩm không có triện, triện không thể tra cứu được do không có trong dữ liệu được chia sẻ thì các anh/chị có thể bỏ qua tiêu chí này vì giá trị của đồ Satsuma chủ yếu nằm ở chất lượng sản phẩm, triện “đẹp” không thể hiện sản phẩm “đẹp”.
Suốt 5 năm bán gốm Nhật, thực sự là DIMO chưa bao giờ nhìn thấy dù chỉ là hình ảnh của đồ Satsuma giả, nhái. Một số thông tin trên mạng xã hội Việt lại đề cập đến cái này, trong khi ngay cả ở Nhật cũng không hề có. Nếu các anh/chị hiểu về Satsuma sẽ biết rằng mọi người đang có sự nhầm lẫn ở đây.
Lý do nằm ở việc bùng nổ nhu cầu về đồ gốm Satsuma từ phương Tây vào cuối thế kỷ 19. Thời điểm đó gần như tất cả các lò nung gốm sứ trên khắp Nhật Bản đều học và sản xuất đồ Satsuma để xuất khẩu. Do đó, chất lượng của đồ Satsuma cũng từ đó mà rất hỗn tạp. Tuy chất lượng hỗn tạp nhưng những nhà sản xuất thời đó đóng triện khá rõ ràng, những lò không chuyên Satsuma thì sẽ chỉ đóng triện chữ “薩摩” hoặc viết tắt “薩 广” (Satsuma) với sản phẩm xuất khẩu hoặc ghi tên của lò nung đối với sản phẩm nội địa. Sau này, những sản phẩm mới phong cách Satsuma của những lò không chuyên sản xuất cho nhu cầu nội địa vẫn được đóng triện đúng tên lò nung và người làm ra nó nhưng với chất lượng và thẩm mỹ rất thấp do nhắm đến phân khúc giá rẻ. Những sản phẩm này thực sự rất dễ nhận biết, thế nên rất mong những người yêu gốm Nhật khi tìm mua đồ Satsuma thì hãy đánh giá và tham khảo cẩn thận thêm một chút, để tránh bị mua nhầm sản phẩm kém chất lượng.
Những điều cần biết khi sưu tầm đồ gốm Satsuma
Kyo-Satsuma (Kyoto Satsuma) Tinh hoa của Satsuma yaki